GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ Ngày 16 tháng 01 năm 1991, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ( Nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 17/CT phê duyệt luận chứng kinh tế thành lập khu rừng cấm quốc gia Ba Vì. Đến ngày 18 tháng 12 năm 1991 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ( Nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 407/CT về việc đổi tên rừng cấm quốc gia Ba Vì thành Vườn quốc gia Ba Vì. Tháng 5 năm 2003 Vườn quốc gia Ba Vì được Chính phủ quyết định mở rộng quy hoạch sang tỉnh Hoà Bình. Hiện nay, tổng diện tích của vườn 9.702,41 ha thuộc địa giới hành chính của 15 xã thuộc 3 huyện của TP Hà Nội và 2 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình cách trung tâm Thủ đô 60 km về phía Tây. Mục tiêu, nhiệm vụ: Vườn quốc gia Ba Vì là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng là trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch: – Bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn của rừng cấm. – Trồng mới, phục hồi, bảo vệ rừng, các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, các đặc sản rừng và các di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan. – Tổ chức nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu cơ bản với mục đích phục vụ bảo tồn. – Tổ chức các hoạt động dịch vụ khoa học, giáo dục hướng nghiệp và tham quan du lịch. Cơ quan / cấp quản lý: Vườn quốc gia Ba Vì trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. VQG Ba Vì là một khu rừng tự nhiên nằm trải dài trên toàn bộ dãy núi Ba Vì và dãy Viên Nam, là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Từ lâu đã trở thành một khu du lịch sinh thái vùng núi cao nổi tiếng của cả nước. VQG Ba Vì được mệnh danh là lá phổi xanh của thủ đô Hà Nội. Là nơi tâm linh bậc nhất của nước ta. 1. Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thủy văn và thổ nhưỡng 1.1. Vị trí địa lý, địa hình – Tọa độ địa lý: + Từ 20°55 – 21°07′ Vĩ độ Bắc. + Từ 105°18′ – 105°30′ Kinh độ Đông. – Địa giới hành chính: VQG Ba Vì nằm trên địa phận của Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa). Có tổng diện tích hiện nay là: 9702.41ha. Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây bắc, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng núi trung du Bắc bộ, ranh giới tiếp giáp như sau: + Phía Bắc giáp các xã Ba Trại, Ba Vì, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội); + Phía Nam giáp các xã Quang Tiến, Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình; + Phía Đông giáp các xã Vân Hoà, Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội), xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội), xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội); + Phía Tây giáp các xã Khánh Thượng, Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) và xã Thịnh Minh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 1.2. Địa hình: + Khu vực VQG Ba Vì là một vùng núi trung bình, núi thấp và đồi trung du tiếp giáp với vùng bán sơn địa. Vùng núi gồm các dãy núi liên tiếp, nổi lên rõ nét là các đỉnh như Đỉnh Vua cao 1.296 m, Đỉnh Tản Viên cao 1.227 m, Đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m, Đỉnh Viên Nam cao 1.012 m. Địa hình bị chia cắt bởi những khe và thung lũng, suối hẹp. + Hướng của cả hai khối núi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, độ cao của hai khối núi giảm dần ra xung quanh tạo nên một số bậc địa hình đặc trưng với các đỉnh, dải đồi lượn sóng nối liền hai khối núi với nhau, sườn của hai khối núi Ba Vì. Hướng dốc chính thoải dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, độ dốc bình quân > 250. Nhiều nơi có độ dốc lớn >350. 1.3. Khí hậu – VQG Ba Vì nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa trung bình năm 2.500 mm, phân bố không đều trong năm, tập trung vào các tháng 7, tháng 8. Độ ẩm không khí 86,1%. Vùng thấp thường khô hanh vào tháng 1, tháng 12. Từ Cốt 400 trở lên, khí hậu ít khô hanh hơn khu vực dưới Cốt 400. Mùa đông có gió Bắc với tần suất > 40%. Mùa hạ có gió Đông Nam với tần suất 25% và hướng Tây Nam – Nhiệt độ bình quân năm là 23,40C. Ở vùng thấp, nhiệt độ tối thấp xuống tới 2,70C; nhiệt độ tối cao lên tới 420C. Ở độ cao 400m nhiệt độ trung bình năm là 20,6oC; Từ độ cao 1.000m trở lên nhiệt độ chỉ còn 160C. Nhiệt độ thấp tuyệt đối có thể xuống -30C. Nhiệt độ cao tuyệt đối 33,10C. 1.4. Thủy văn Hệ thống suối trong khu vực chủ yếu bắt nguồn từ thượng nguồn Núi Ba Vì và Núi Viên Nam, chảy theo hướng Bắc, Đông Bắc và đều là phụ lưu của sông Hồng. Ở phía Tây của khu vực, các suối ngắn và dốc hơn so với các suối ở phía Bắc và phía Đông, đều là phụ lưu của sông Đà. Mật độ 1,2 ÷ 2 km/ 1 km2¬. Các suối này thường gây lũ vào mùa mưa. Về mùa khô, các suối nhỏ thường cạn kiệt. Các suối chính trong khu vưc gồm có: Suối Cái, suối Mít, suối Ninh, ngũi Lạt, suối Yờn cư, suối Bơn, suối Quanh, suối Cầu Rổng, suối Đô, Chằm Me, Chằm Sỏi. Sông Đà chảy ở phía Tây Bắc núi Ba Vì, sông rộng cùng với hệ suối khá dày như Suối Ổi, Suối Ca, Suối Mít, Suối Ba Gò, Suối Xoan, Suối Yên Cư, suối Củi…thường xuyên cung cấp nước cho sản suất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Bên cạnh còn có các hồ chứa nước nhân tạo như Hồ Suối Hai, Hồ Đồng Mô – Ngải Sơn, Hồ Cóc Cua và các hồ chứa nước khác vừa có nhiệm vụ dự trữ nước cung cấp cho hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho dân. Đồng thời, tạo nên không gian thắng cảnh tuyệt đẹp, phục vụ nhu cầu du lịch và thắng cảnh cho du khách. 1.5. Địa chất và thổ nhưỡng Nền địa chất khu vực VQG Ba Vì có phân vị địa tầng cổ nhất thuộc các đá biến chất tuổi Proterozoi, có thể tổng hợp theo các nhóm đá điển hình sau: + Nhóm đá macma kiềm và trung tính: điển hình có đá Diorit, poocphiarit tương đôi mềm. Nhóm đá này khi phong hoá cho mẫu chất tương đối mịn và tương đối giầu dinh dưỡng. + Nhóm đá trầm tích: Cát kết, phiến thạch sét, cuội kết. Nhóm đá này khi phong hoá tạo thành loại đất khá màu mỡ. + Nhóm đá biến chất phân bố thành dải từ khu vực Đá Chông đến Ngòi Lặt, chiếm gần toàn bộ diện tích sườn phía Đông và khu vực Đồng Vọng, xóm Sảng. Thành phần chính của nhóm này gồm đá Diệp thạch kết tinh, đá Gnai, Diệp thạch xêrit lẫn các lớp quăczít. + Nhóm đá vôi phân bố khu vực núi Chẹ, xóm Mít, suối Ma, xóm Quýt. + Đá trầm tích-phún trào: Phân bố ở hầu hết toàn bộ khu vực vườn quốc gia và một số xã vùng đệm. + Đá trầm tích: phân bố ở xã Ba Trại từ suối Đò, cầu gỗ đến Mỹ Khê. + Đá bở rời: phân bố ở phía tây Xuân Khanh, Mỹ Khê và dọc các suối lớn. Với thành phần đá mẹ rất phong phú và đa dạng đã hình thành nên nhiều loại đất khác nhau. Với điều kiện tự nhiên và quá trình phân hoá, trong khu vực VQG Ba Vì hình thành các loại đất chủ yếu như sau: – Đất Feralit-mùn mầu vàng phân bố ở độ cao >1000m, tầng đất mỏng có nhiều đá lẫn và đá lộ đầu phân bố ở xung quanh đỉnh Ngọc Hoa. Các loài thực vật thường gặp như: Bách xanh, thông tre, chè sim, thích lá dài, Chè hồi sồi dẻ, đỗ quyên… – Đất mùn-Feralit mầu vàng nâu phát triển trên đá phiến thạch sét, sa thạch phân bố rộng tập trung ở độ cao 500m-1000m, tầng đất từ mỏng đến trung bình, có nhiều đá lẫn nhiều nơi có đá lộ đầu. Các loài thực vật thường gặp: Trương vân, Cồng sữa, Dẻ gai, Re… – Đất mùn-Feralit mầu vàng đỏ phát triển trên đá phiến thạch sét, sa thạch, phiến thạch mica và các loại đá trầm tích, phân bố ở sườn và vùng đồi thấp ở độ cao <500m, tầng đất còn dầy nhưng tỷ lệ mùn thấp. Các loài thực vật thường gặp: trảng cỏ tranh, lau chít, chè vè, cây bụi... do kết quả của nạn đốt nương làm rẫy. - Đất phù sa cổ phân bố thành một dải hẹp kéo dài ven sông Đà thuộc 2 xã Khánh Thượng và Minh Quang loại đất này đang có chiều hướng thoái hoá bị rửa trôi. 2. Dân sinh, kinh tế, xã hội *Dân số, dân tộc, lao động - Dân số, dân tộc: Khu vực VQG Ba Vì và vùng đệm trong phạm vi của 15 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố của 2 tỉnh, thành phố: Hà Nội và Hòa Bình. + Theo số liệu thống kê năm 2019 tổng số dân trong khu vực có 127.163 người, với 30.264 hộ, mật độ dân số là 305 người/km2. Trên địa bàn có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm: Mường, Kinh, Dao và Thái; trong đó: Người Kinh chiếm 51% (64.508 người), dân tộc Mường chiếm 45,6% (57.000 người); dân tộc Dao 2,15% và dân tộc thái 0,15%. Tỉ lệ tăng dân số trung bình toàn vùng đệm là 1,38%. 3. Đa dạng sinh học 3.1. Đa dạng thực vật rừng - Thành phần loài Theo tài liệu mới nhất năm 2018 VQG Ba Vì đã định danh được 2.181 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 958 chi của 207 họ. Với nhiều loài Cây gỗ quí hiếm như: Bách xanh (Calocedrus macrolepis), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Sến mật (Madhca pasquieri), Giổi lá bạc (Michelia cavaleriei), Phỉ ba mũi (Cephalotaxus manii). Hoa tiên, Bát giác liên, Lan kim tuyến, Râu hùm... Thực vật đặc hữu và mang tên Ba Vì: loài được gọi là đặc hữu Ba Vì theo thời điểm (Ba vi’s endemic plants by point of time) có 49 loài, có 36 loài nằm trong danh lục đỏ (Red List), điển hình như Mua Ba Vì (Allomorphia baviensis), Thu hải đường Ba Vì (Begonia baviensis), Xương cá Ba Vì (Tabernaemontana baviensis)… Cây có giá trị sử dụng gỗ: có 185 loài. Thực vật cây thuốc: có tới 503 loài thuộc 118 họ, 321 chi chữa 33 loại bệnh và chứng bệnh khác nhau, trong đó có nhiều loài thuốc quý như: Hoa tiên (Asarum maximum), Huyết đằng (Sargentodoxa cuneata), Bát giác liên (Podophyllum tonkiensis), Râu hùm (Tacca chantrieri), Hoằng đằng (Fibraurea tinctoria)... Những họ tiêu biểu gồm họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae), họ Trúc đào (Apocynaceae). Về tre, nứa trong rừng tự nhiên có 9 loài phân bố ở độ cao dưới 800m, Giang ở độ cao 1.100m, ở độ cao hơn có Sặt Ba Vì mọc thành từng vạt trên đỉnh núi, khu vực đỉnh Vua, Tản Viên, Ngọc Hoa. Hiện nay, Vườn đã sưu tập thêm 117 loài tre trúc, nằm ở độ cao dưới 400m. Vườn Xương rồng cũng đã thu thập được trên 1.000 loài, làm tăng tính phong phú và đa dạng loài, rất có giá trị về nghiên cứu khoa học và thăm quan thắng cảnh. b. Hệ động vật rừng (ĐVR) Theo kết quả điều tra bổ sung mới nhất năm 2018, Khu hệ động vật có xương sống (ĐVCXS) ở VQG Ba Vì thống kê được 342 loài. Trong đó, có 3 loài đặc hữu và 66 loài ĐVR quí hiếm. Trong 342 loài đã ghi nhận, có 23 loài có mẫu được sưu tầm hoặc đang được lưu trữ ở địa phương, 141 loài được quan sát ngoài thực địa và 183 loài theo phỏng vấn thợ săn hoặc tập hợp qua tài liệu đã có. Yếu tố đặc hữu của khu hệ ĐVCXS ở Ba Vì ở 2 lớp Bò sát và Lưỡng thê. Đó là các loài Thằn lằn tai Ba Vì (Tropidophous baviensis), Ếch vạch (Chaparana delacouri). BẢNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VQG BA VÌ Lớp Số loài Số họ Số bộ Thú 65 24 8 Chim 191 48 17 Bò sát 61 15 2 Lưỡng thê 27 4 1 Cộng 344 91 28 Nhóm động vật quí hiếm ở VQG Ba Vì có 65 loài, phần lớn là loài ĐVR nhỏ, hoặc trung bình. Các loài quý hiếm như Cầy vằn (Chrotogale owstoni), Cầy mực (Artictis binturong), Cầy gấm (Prionodon pardicolor); Beo lửa (Felis temmincki), Sơn Dương (Capricornis sumatraensis), Sóc bay (Petaurista petaurista)… Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Yểng quạ (Eurystomus orientalis), Khướu bạc má (Garrulax chinensis)...và các loài đặc hữu hẹp hiện có ở VQG Ba Vì. Khu hệ động vật ở VQG Ba Vì còn khá phong phú, tuy nhiên các loài thú đều có kích thước nhỏ hoặc trung bình. 3.3. Đa dạng côn trùng Theo kết quả điều tra chuyên đề của Vườn, đã phát hiện được 552 loài côn trùng thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ. Trong đó có 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt nam như Bọ ngựa xanh thường (Mantis religiosa Linnaeus); Cà cuống (Lethocerus indicus L. et S.); Bướm khế (Attacus atlas Linnaeus); Ngài mặt trăng (Actias selene ningpoana Felde); Bướm rồng đuôi trắng (Lamproptera curius Fabricius); Bướm phượng Hêlen (Troides helena Linnaeus), Bướm đuôi kiếm (Graphium antiphates Cramer). Hệ côn trùng đã tạo nên sự phong phú, đa dạng loài và làm nổi trội giá trị thiên nhiên của VQG Ba Vì. 4. Về Du lịch Sinh Thái và Tâm linh: VQG Ba Vì không chỉ là nơi du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn là nơi du lịch văn hóa tâm linh của cả nước với Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Thượng, đền Trung, (thờ đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh). Đặc biệt năm 1999 tại đỉnh Vua cao 1296m, nơi cao nhất của dãy núi Ba Vì được nhân dân ta chọn là nơi xây dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình là một phần trong việc thực hiện di chúc của Người. Bên cạnh đền thờ Bác Hồ là Tháp Báo Thiên, một công trình thờ Phật được xây dựng năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tại độ cao 600m còn có di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cứ điểm 600m ghi lại dấu ấn cuộc chiến đấu của quân và dân ta đập tan phòng tuyến sông Đà ngày 30 - 31/12/1951. Bên cạnh đó còn hơn 200 phế tích từ thời Pháp đã được tìm thấy như nhà thờ cổ, cô nhi viện, nhà tù chính trị, câu lạc bộ sĩ quan và các biệt thự của thời Pháp. Các tuyến Du lịch sinh thái như: Động Ngọc Hoa, Suối ngọc hoa, đỉnh Tiểu Đồng, quần thể Bách xanh cổ thụ, Vách đá trắng - hang gấu, đồi hoa dã quỳ … Đặc biệt từ năm 2015 đến nay Vườn quốc gia Ba Vì đã xây dựng được một sản phẩm du lịch nổi tiếng đá là Mùa hoa Dã quỳ vào tháng 10 , tháng 11 hàng năm. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ động thực vật đa dạng, phong phú, nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng, cơ sở hạ tầng phục vụ DL tương đối hoàn thiện, đường giao thông thuận tiện từ trung tâm HN đến VQG Ba Vì. Do vậy hàng năm VQG Ba Vì đã đón khoảng hơn 4 trăm nghìn lượt khách thăm quan du lịch đến từ mọi miền đất nước về thăm. * Về cơ sở vật chất phục vụ Du lịch: Hiện nay ở Vườn có 01 resort 5 sao (50 phòng), 1 resort 4 sao (50 phòng), và 1 resort 3 sao (90 phòng) đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ cho các đoàn khách du lịch.      

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *